Lời nói đầu
QCVN 02 : 2009/BXD do Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng biên soạn, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường trình duyệt, Bộ Xây dựng ban hành theo Thông tư số: ……./2009/TT-BXD ngày ….. tháng … năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Quy chuẩn này được soát xét và thay thế các Phụ lục : 2.1; 2.2; 2.3; 2.5; 2.6; 2.8; 2.12 thuộc Tập III, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam đã được Bộ Xây dựng ban hành theo Quyết định số 439/BXD-CSXD ngày 25/9/1997.
CHƯƠNG 1 QUY ĐỊNH CHUNG
1.1 Phạm vi áp dụng
Số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng của Quy chuẩn này được áp dụng cho việc lập, thẩm định, phê duyệt các hoạt động xây dựng bao gồm lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế xây dựng công trình, thi công xây dựng công trình, giám sát thi công xây dựng công trình, quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình tại Việt Nam.
1.2 Giải thích từ ngữ
Trong Quy chuẩn này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1) Bão là một xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 8 trở lên và có thể có gió giật. Bão từ cấp 10 đến cấp 11 được gọi là bão mạnh; từ cấp 12 trở lên được gọi là bão rất mạnh.
Ghi chú: Cấp gió được tính theo thang Bô –pho (bảng 3.2 Phụ lục chương 3)
2) Lốc là luồng gió xoáy có vận tốc lớn được hình thành trong phạm vi hẹp và tan đi trong thời gian ngắn.
3) Lũ là hiện tượng mực nước sông dâng cao trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó xuống.
4) Lũ quét (hay lũ ống) là lũ xảy ra tại miền núi khi có mưa cường độ lớn tạo dòng chảy xiết. Lũ quét có sức tàn phá lớn và xảy ra bất ngờ.
5) Nước dâng là hiện tượng nước biển dâng cao hơn mức nước triều bình thường do ảnh hưởng của bão.
6) Dông là hiện tượng đối lưu mạnh của khí quyển gây ra sự phóng điện đột ngột kèm theo sấm chớp.
7) Sét là hiện tượng phóng điện trong khí quyển khi dông.
8) Mật độ sét đánh là số lần phóng điện xuống đất tính trên 1 km2 trong một năm.
9) Động đất (còn gọi là địa chấn) là sự rung động mặt đất, gây ra bởi các dịch chuyển đột ngột của các địa khối theo các đứt gãy địa chất trong lòng đất (gọi là động đất kiến tạo), các vụ nổ núi lửa (gọi là động đất núi lửa), các vụ sụp đổ hang động, các vụ trượt lở đất, thiên thạch và các vụ nổ nhân tạo.
10) Chấn tiêu là nơi phát sinh động đất, nơi năng lượng động đất được giải phóng và truyền ra không gian xung quanh dưới dạng sóng đàn hồi, gây rung động mặt đất. Chấn tâm là hình chiếu theo chiều thẳng đứng của chấn tiêu trên mặt đất.
11) Cường độ động đất là đại lượng biểu thị độ lớn về năng lượng mà động đất phát ra dưới dạng sóng đàn hồi. Cường độ động đất được đánh giá bằng thang độ Richter, có giá trị bằng logarit cơ số 10 của biên độ cực đại (micron) thành phần nằm ngang của sóng địa chấn trên băng ghi của máy địa chấn chu kỳ ngắn chuẩn Wood Andersen ở khoảng cách 100 km từ chấn tâm.
12) Cấp động đất là đại lượng biểu thị cường độ chấn động mà nó gây ra trên mặt đất và được đánh giá theo các thang phân bậc mức độ tác động của động đất đối với các kiểu nhà cửa, công trình, đồ vật, súc vật, con người và biến dạng mặt đất. Cấp động đất thường được đánh giá bằng thang MSK-64 (Medvedev-Sponheuer-Karnik).
13) Độ muối khí quyển là tổng lượng muối clorua trong không khí tính theo số miligam ion Cl sa lắng trên 1m2 bề mặt công trình trong một ngày đêm (mg Cl‑ /m2.ngày)
1.3 Các số liệu trong quy chuẩn
1.3.1. Các số liệu trong quy chuẩn này gồm: Số liệu khí tượng; số liệu thời tiết và hiện tượng tự nhiên bất lợi; áp lực và vận tốc gió dùng trong thiết kế; mật độ sét đánh và số liệu động đất dùng trong thiết kế.
1.3.2. Các số liệu về địa chất công trình, địa chất thuỷ văn, thuỷ văn, khoáng hoá đất, áp dụng theo các phụ lục 2.9 ÷ 2.11, Tập III, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam đã được Bộ Xây dựng ban hành theo Quyết định số 439/BXD-CSXD ngày 25/9/1997.
1.4 Nguồn gốc số liệu
1.4.1 Nguồn gốc số liệu chương 2
Số liệu khí tượng ở chương 2 được lấy theo “Số liệu khí hậu dùng trong thiết kế xây dựng” cung cấp tại TCVN 4088:1985 sau khi đã được soát xét lại năm 2008.
1.4.2 Nguồn gốc số liệu chương 3
– Số liệu thời tiết và hiện tượng tự nhiên bất lợi được tập hợp từ các số liệu thống kê đã được công bố của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia – Bộ Tài nguyên và Môi trường.
– Số liệu về thuỷ triều ở biển Đông và phân bố độ cao nước dâng do bão với tần suất đảm bảo 5% được trích từ “Tập Átlas khí tượng thuỷ văn Việt Nam” ban hành năm 1994.
– Số liệu về độ muối khí quyển được giữ nguyên như phụ lục 2.12 Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam tập III, ban hành năm 1997.
– Số liệu về chấn tâm động đất và đứt gãy sinh chấn, về các vùng phát sinh động đất do Viện Vật lý địa cầu – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cung cấp.
1.4.3 Nguồn gốc số liệu chương 4
Số liệu áp lực gió lãnh thổ Việt Nam được lấy theo TCVN 2737:1995 “Tải trọng và tác động – tiêu chuẩn thiết kế”.
1.4.4 Nguồn gốc số liệu chương 5
Số liệu về mật độ sét đánh trên lãnh thổ Việt Nam được thiết lập trên cơ sở bản đồ mật độ sét đánh trung bình năm trên lãnh thổ Việt Nam do Viện Vật lý địa cầu cung cấp.
1.4.5 Nguồn gốc số liệu chương 6
Số liệu về động đất trên lãnh thổ Việt Nam được thiết lập trên cơ sở bản đồ phân vùng gia tốc nền lãnh thổ Việt Nam tỷ lệ 1:1.000.000 do Viện Vật lý địa cầu cung cấp.
CHƯƠNG 2 SỐ LIỆU KHÍ TƯỢNG
2.1 Đặc điểm khí hậu Việt Nam
2.1.1 Mùa khí hậu
Việt Nam thuộc vùng khí hậu nhiệt đới ẩm, gió mùa. Lãnh thổ Việt Nam được chia làm 2 miền Bắc và Nam với khí hậu khác biệt.
a) Miền Bắc (từ 16 độ vĩ bắc, ngang với đèo Hải Vân, trở ra phía bắc): Có mùa đông lạnh. Vùng đồng bằng tháng lạnh có nhiệt độ trung bình 10 – 15 0C;
b) Miền Nam (từ 16 độ vĩ bắc, ngang với đèo Hải Vân, trở vào phía nam): Không có mùa đông lạnh. Vùng đồng bằng quanh năm nóng và chia ra 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa từ tháng 5 tới tháng 10, mùa khô từ tháng 11 tới tháng 4.
2.1.2 Nắng, nhiệt độ không khí, bức xạ mặt trời
Nắng: Trên toàn lãnh thổ, thời gian nắng dài. Số giờ nắng trung bình trong một năm: Miền Bắc < 2000 giờ, miền Nam > 2000 giờ;
Nhiệt độ không khí: Miền Bắc có nhiệt độ trung bình hàng năm dưới 240C; miền Nam có nhiệt độ trung bình hàng năm 24 – 280C;
Bức xạ mặt trời : Lượng bức xạ dồi dào. Tổng xạ trung bình hàng năm tại miền Bắc < 586 KJ/cm2; tại miền Nam > 586 KJ/cm2.
2.1.3 Độ ẩm của không khí và các mùa thời tiết
Trên toàn lãnh thổ độ ẩm tương đối của không khí quanh năm cao: 77 – 87%. Tại một số nơi, trong khoảng thời gian nhất định có thể có sự thay đổi lớn về độ ẩm không khí, dẫn tới các thời kỳ và thời tiết đặc biệt.
a) Thời kỳ mưa phùn, lạnh ẩm
Ở miền Bắc, vào thời kỳ gió mùa mùa đông (gió mùa Đông Bắc) thường có mưa phùn ẩm ướt, độ ẩm tương đối của không khí cao, có lúc bão hòa.
b) Thời tiết nồm ẩm
Tại vùng phía đông miền Bắc và ven biển miền Trung, vào khoảng thời gian cuối mùa đông, đầu mùa xuân (tháng 2 ¸ 4) thường có thời tiết nồm ẩm: Không khí có nhiệt độ 20 – 250C và độ ẩm tương đối rất lớn, trên 95%, có lúc bão hòa.
c) Thời tiết khô nóng
Tại các vùng trũng khuất phía đông dẫy núi Trường Sơn và các thung lũng vùng Tây Bắc về mùa hè có gió khô nóng thổi theo hướng tây, tây bắc, tây nam với thời gian hoạt động 10 – 30 ngày trong năm. Thời tiết trở nên khô nóng, nhiệt độ trên 350C và độ ẩm tương đối dưới 55%.
2.1.4 Mưa, tuyết
Trên toàn lãnh thổ lượng mưa và thời gian mưa hàng năm tương đối lớn, trung bình 1.100 – 4.800 mm và 67 – 223 ngày. Mưa phân bố không đều và tập trung vào các tháng mưa. Nhiều trận mưa có cường độ lớn, nhiều đợt mưa liên tục, kéo dài, gây lũ lụt.
Trên toàn lãnh thổ không có tuyết trừ một đôi lần trong năm và ở một vài ngọn núi cao phía Bắc.
2.1.5 Phân vùng khí hậu xây dựng
Lãnh thổ Việt nam được chia thành hai miền khí hậu là khí hậu xây dựng miền Bắc và khí hậu xây dựng miền Nam. Mỗi miền khí hậu lại có các vùng khí hậu khác nhau (xem bản đồ Hình 2.2).
2.1.5.1 Khí hậu xây dựng miền Bắc
Khí hậu xây dựng miền Bắc bao gồm 4 vùng.
Vùng IA – Khí hậu núi Tây bắc và Trường sơn:
– Bao gồm các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, phía tây các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế;
– Đại bộ phận vùng này có mùa đông lạnh. Nhiệt độ thấp nhất có thể xuống dưới 00C ở phía Bắc và dưới 50C ở phía Nam của vùng. Tại khu vực núi cao phía Bắc có khả năng xuất hiện băng giá, mưa tuyết;
– Vùng này chịu ảnh hưởng của thời tiết khô nóng. Ở các thung lũng thấp, nhiệt độ cao nhất có thể trên 400C. Vùng Tây Bắc không chịu ảnh hưởng của biển, khí hậu mang nhiều tính chất lục địa, biên độ nhiệt độ ngày lớn. Trừ một số khu vực thấp ở phía Bắc và phần đuôi phía Nam, tại vùng này yêu cầu chống lạnh ngang chống nóng. Thời kỳ cần sưởi kéo dài 60 – 90 ngày;
– Trên phần lớn vùng này, hàng năm có một mùa khô kéo dài gần trùng với thời kỳ lạnh. Không có thời kỳ mưa phùn, lạnh ẩm hoặc nồm ẩm. Mưa có cường độ lớn và phân bố không đều;
– Vùng này ít chịu ảnh hưởng của gió bão nhưng có thể xuất hiện các trận lốc.
Vùng IB – Khí hậu núi Đông Bắc và Việt Bắc:
– Bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, phần Đông Bắc tỉnh Hòa Bình, phần phía Tây Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Thọ, phần bắc Vĩnh Phúc, Bắc Giang;
– Đây là vùng có mùa đông lạnh nhất. Độ cao địa hình là yếu tố quan trọng trong việc hình thành khí hậu. Nhiệt độ thấp có thể xuống dưới 00C, có khả năng xuất hiện băng giá, mưa tuyết ở núi cao. Mùa hè ít nóng hơn so với đồng bằng, nhưng ở các thung lũng thấp nhiệt độ cao nhất có thể trên 400C. Trong vùng này, cần chống lạnh nhiều hơn chống nóng, nhất là về ban đêm và trên các vùng núi cao. Thời kỳ cần sưởi có thể kéo dài trên 120 ngày;
– Trừ một thời gian ngắn khô hanh, khí hậu nói chung ẩm ướt. Mưa nhiều, lũ quét có khả năng xuất hiện trên nhiều khu vực.
– Phần ven biển của vùng này chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão.
Vùng IC – Khí hậu đồng bằng Bắc Bộ:
– Bao gồm toàn bộ đồng bằng và trung du nửa phần phía Bắc thuộc các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, phía Tây tỉnh Hoà Bình, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình;
– Vùng này có mùa đông lạnh nhưng gần biển nên ít lạnh hơn vùng IB. Biên độ nhiệt độ, độ ẩm thấp hơn so với hai vùng IA và IB. Nhiệt độ thấp nhất ít có khả năng xuống dưới 00C ở phía Bắc và 50C phía Nam. Nhiệt độ cao nhất có thể đạt tới 400C. Mưa nhiều, cường độ mưa khá lớn.
– Bão ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh ven biển.
Vùng ID – Khí hậu Nam Bắc bộ và Bắc Trung bộ:
– Bao gồm Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
– Nhiệt độ cao nhất có thể đạt tới 420C đến 430C do ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết khô nóng. Trong vùng này chống nóng là quan trọng nhưng cũng cần che chắn gió lạnh về mùa đông. Mưa nhiều, cường độ mưa khá lớn. Mùa ẩm, mùa khô không đồng nhất.
– Bão có ảnh hưởng trực tiếp tới toàn vùng, mạnh nhất là ở phần ven biển.
2.1.5.2 Khí hậu xây dựng miền Nam
Khí hậu xây dựng miền Nam bao gồm 3 vùng.
Vùng IIA – Khí hậu duyên hải Nam Trung Bộ:
– Bao gồm toàn bộ vùng đồng bằng và đồi núi thấp dưới 100m thuộc các tỉnh, thành phố: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận
– Khí hậu cơ bản là nhiệt đới, gió mùa, không có mùa đông lạnh (trừ phần phía Bắc còn có mùa đông hơi lạnh). Nhiệt độ thấp nhất thường không dưới 100C. Nhiệt độ cao nhất có thể vượt 400C. Do ảnh hưởng của biển, biên độ nhiệt độ ngày cũng như năm đều nhỏ. Trong vùng không cần chống lạnh;
– Phần ven biển chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão.
Vùng IIB – Khí hậu Tây nguyên:
– Bao gồm toàn bộ phần núi cao trên 100m của nửa phần phía Nam thuộc các tỉnh, thành phố: Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắk, Đắc Nông, Lâm Đồng, phía tây Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, phía bắc Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước;
– Khí hậu vùng núi, nhiệt đới. Phần phía bắc mùa đông có ảnh hưởng một ít của gió mùa Đông Bắc, mức độ lạnh phụ thuộc độ cao địa hình;
– Trên vùng cao, ít lạnh, nhiệt độ các tháng đông cao hơn vùng IB từ 4 đến 50C, ở các vùng khác trên 50C. Nhiệt độ thấp nhất trên vành đai núi cao từ 00C đến 50C, ở vùng khác trên 50C;
– Dưới vành đai núi thấp, mùa hè nóng, khu vực thung lũng nhiệt độ cao nhất có thể tới 400C. Ở độ cao trên 1500m không có mùa nóng. Phần phía tây có một số nét của khí hậu lục địa, biên độ ngày của nhiệt độ lớn tương tự vùng Tây Bắc. Trừ vùng núi cao, yêu cầu chủ yếu ở đây là chống nóng;
– Mùa mưa và mùa khô tương phản nhau rõ rệt. Cường độ mưa khá lớn. Mùa khô thường thiếu nước;
– Vùng này ít chịu ảnh hưởng của gió bão.
Vùng IIC – Khí hậu Nam Bộ :
– Bao gồm toàn bộ vùng đồng bằng thuộc các tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bến Tre, Long An, Tiền Giang, An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau;
– Hàng năm chỉ có mùa khô và mùa ẩm tương phản nhau rõ rệt, phù hợp với hai mùa gió và không đồng nhất trong vùng, cường độ mưa khá lớn.
2.2 Các bản đồ và bảng số liệu
Các bản đồ và bảng số liệu khí tượng được cho trong Phụ lục chương 2, gồm có:
2.2.1 Trạm khí tượng và bản đồ phân vùng khí hậu xây dựng
Bảng 2.1 Toạ độ vị trí các trạm khí tượng, trang 3;
Hình 2.1 Bản đồ vị trí các trạm khí tượng, trang 3.
Hình 2.2 Bản đồ phân vùng khí hậu xây dựng, trang 3.
2.2.2 Nhiệt độ và độ ẩm tương đối của không khí
Bảng 2.2 Nhiệt độ không khí trung bình tháng và năm (0C), trang 3;
Bảng 2.3 Nhiệt độ không khí cao nhất trung bình tháng và năm (0C) , trang 3;
Bảng 2.4 Nhiệt độ không khí thấp nhất trung bình tháng và năm (0C) , trang 3;
Bảng 2.5 Nhiệt độ không khí cao nhất tuyệt đối tháng và năm (0C) , trang 3;
Bảng 2.6 Nhiệt độ không khí thấp nhất tuyệt đối tháng và năm (0C) , trang 3;
Bảng 2.7 Biên độ ngày của nhiệt độ không khí trung bình tháng và năm (0C), trang 3;
Bảng 2.8 Biến trình ngày của nhiệt độ không khí (0C), trang 3;
Bảng 2.9 Độ ẩm tuyệt đối của không khí trung bình tháng và năm (mbar), trang 3;
Bảng 2.10 Độ ẩm tương đối của không khí trung bình tháng và năm (%), trang 3;
Bảng 2.11 Độ ẩm tương đối của không khí thấp nhất trung bình tháng và năm (%), trang 3;
Bảng 2.12 Độ ẩm tương đối của không khí thấp nhất tuyệt đối tháng và năm (%), trang 3;
Bảng 2.13 Biến trình ngày của độ ẩm tương đối của không khí (%), trang 3;
Bảng 2.14 Tần suất xuất hiện các cấp nhiệt ẩm (‰), trang 3.
2.2.3 Số liệu về gió
Bảng 2.15 Vận tốc gió trung bình tháng và năm (m/s), trang 3;
Bảng 2.16 Tần suất lặng gió (PL %) tần suất (P %) và vận tốc gió (V m/s) trung bình theo 8 hướng, trang 3.
2.2.4 Bức xạ mặt trời
Bảng 2.17 Độ cao (H) và góc phương vị (A) của mặt trời (độ), trang 3;
Bảng 2.18 Tổng xạ trên mặt bằng (W/m2/ngày), trang 3;
Bảng 2.19 Tán xạ trên mặt bằng (W/m2/ngày), trang 3;
Bảng 2.20 Cường độ trực xạ trên mặt đứng 8 hướng (W/m2), trang 3;
Bảng 2.21 Cường độ tán xạ trên mặt đứng 8 hướng (W/m2), trang 3;
Bảng 2.22 Tổng số giờ nắng trung bình tháng và năm (giờ), trang 3;
Bảng 2.23 Biến trình ngày của số giờ nắng (giờ), trang 3;
Bảng 2.24 Độ rọi trên mặt phẳng ngang (klx), trang 3.
2.2.5 Mưa, sương mù và dông
Bảng 2.25 Lượng mưa trung bình tháng và năm (mm), trang 3;
Bảng 2.26 Lượng mưa ngày lớn nhất (mm), trang 3;
Bảng 2.27 Lượng mưa lớn nhất trung bình thời đoạn (mm), trang 3;
Bảng 2.28 Số ngày mưa trung bình tháng và năm (ngày), trang 3;
Bảng 2.29 Số ngày mưa trung bình theo các cấp (ngày), trang 3;
Bảng 2.30 Lượng mưa (mm) tháng và năm theo các suất bảo đảm (%), trang 3;
Bảng 2.31 Số ngày mưa phùn trung bình tháng và năm (ngày, trang 3;
Bảng 2.32 Số ngày sương mù trung bình tháng và năm (ngày), trang 3;
Bảng 2.33 Số ngày có dông trung bình tháng và năm (ngày), trang 3;
Bảng 2.34 Lượng mây tổng quan trung bình tháng và năm (ngày), trang 3;
Bảng 2.35 Lượng mây dưới trung bình tháng và năm (ngày), trang 3.
2.3 Sử dụng số liệu khí tượng
2.3.1 Chương 2 cung cấp số liệu đo tại các trạm khí tượng. Khi sử dụng, cần lấy số liệu của trạm khí tượng gần địa điểm xây dựng nhất. Ngoài ra, cần tham khảo thêm các số liệu khí tượng thực tế có tại nơi xây dựng, đặc biệt trong các trường hợp sau:
a) Địa điểm xây dựng nằm ở cao độ khác nhiều so với cao độ của trạm khí tượng;
b) Địa điểm xây dựng nằm ở địa hình có yếu tố ảnh hưởng tới số liệu khí tượng như: Núi, đồi, sông, suối.
Nếu số liệu thực tế nằm ngoài các giá trị được cung cấp tại Quy chuẩn này thì cần làm việc với Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia để có số liệu chính thức.
2.3.2 Khi thiết kế công trình hoặc biện pháp thi công công trình chịu tác động của gió, không áp dụng các số liệu về gió ở chương này mà phải sử dụng các giá trị áp lực gió được cung cấp tại chương 4 để tính toán.
CHƯƠNG 3 SỐ LIỆU THỜI TIẾT VÀ HIỆN TƯỢNG TỰ NHIÊN BẤT LỢI
3.1 Đặc điểm thời tiết và hiện tượng tự nhiên bất lợi
3.1.1 Bão
a) Bão là hiện tượng thời tiết đặc biệt nguy hiểm, gây gió mạnh làm tốc mái, có thể đổ nhà cửa, kèm theo mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng. Cấp gió và mức độ nguy hại của chúng tham khảo bảng 3.2 của Quy chuẩn này.
b) Ở Việt Nam, mùa bão hàng năm vào tháng 6 – 11, tần suất bão giảm dần từ Bắc vào Nam. Thời gian thường xảy ra như sau (bảng 3.1):
Tháng 6 – 9 bão đổ bộ nhiều vào vùng biển Quảng Ninh – Thanh Hoá;
Tháng 7 – 10 bão đổ bộ nhiều vào vùng biển Nghệ An – Quảng Bình;
Tháng 8 – 11 bão đổ bộ nhiều vào vùng biển Quảng Trị – Quảng Ngãi;
Tháng 10 – 12 bão đổ bộ nhiều vào vùng biển Bình Thuận-Ninh Thuận, Bình Thuận – Cà Mau.
Thống kê các cơn bão đổ bộ vào các vùng bờ biển Việt Nam (1961÷2008) cho trên bảng 3.3. Theo số liệu thống kê thì chưa thấy bão đổ bộ vào Việt Nam trong tháng 2.
3.1.2 Lốc
a) Lốc là các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, gây gió xoáy bốc lên cao, làm tốc mái, đổ nhà cửa, nhất là các nhà đơn sơ.
b) Theo thống kê của Trung Tâm khí tượng Thuỷ văn Quốc gia (bảng 3.4): Ở miền Bắc lốc thường hay xảy ra vào các giai đoạn chuyển tiếp từ đông sang hè (tháng 4, tháng 5), mỗi khi xuất hiện đợt không khí lạnh; Ở miền Nam số lần xảy ra lốc ít hơn ở miền Bắc và miền Trung.
3.1.3 Lũ lụt
a) Lũ lụt xảy ra vào mùa mưa, khi các trận mưa lớn đổ nước mạnh vào sông, suối làm vỡ đê hoặc tràn bờ gây ra ngập lụt nhà cửa, mặt bằng xây dựng trên một diện rộng.
b) Mùa lũ là thời gian thường xuất hiện lũ, được quy định trong Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ ban hành kèm theo Quyết định số 245/2006/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng chính phủ như sau:
– Trên các sông thuộc Bắc Bộ từ ngày 15 tháng 6 đến ngày 15 tháng 10;
– Trên các sông từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh từ ngày 15 tháng 7 đến ngày 15 tháng 11;
– Trên các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận từ ngày 01 tháng 9 đến ngày 15 tháng 12;
– Trên các sông thuộc Bình Thuận, Nam Bộ và Tây Nguyên từ ngày 15 tháng 6 đến ngày 30 tháng 11.
Các trận lũ lịch sử từ năm 1945 đến nay được Trung Tâm khí tượng Thuỷ văn Quốc gia thống kê trên bảng 3.5.
Ở sông Hồng đã xảy ra hai trận lũ đặc biệt lớn vào tháng 8 năm 1945 và tháng 8 năm 1971 gây ra vỡ đê nhiều nơi.
3.1.4 Lũ quét
a) Lũ quét là hiện tượng thuỷ văn đặc biệt nguy hiểm. Trong một số trường hợp nó có sức tàn phá khủng khiếp và trở thành thảm hoạ tự nhiên. Lũ quét thường xảy ra ở vùng núi, nơi có địa hình đồi núi cao xen kẽ với thung lũng và sông suối thấp, độ ổn định của lớp đất trên bề mặt lưu vực yếu do quá trình phong hóa mạnh, lớp phủ thực vật bị tàn phá.
b) Các trận lũ quét trong các năm 1958 – 2007 được Trung Tâm khí tượng Thuỷ văn Quốc gia thống kê trên bảng 3.6.
c) Các địa phương hay xảy ra lũ quét là: Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Ninh, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái; Bình Thuận, Đắk Lắk, Quảng Bình, Quảng Nam.
3.1.5 Dông sét
a) Dông được xếp vào thời tiết nguy hiểm vì sét trong dông có thể đánh chết người, gây ra cháy rừng, cháy nhà, làm hư hỏng thiết bị máy móc, nhất là các thiết bị điện tử. Dông sét ở Việt Nam xảy ra quanh năm, nhưng thường nhiều về mùa hè. Đặc biệt trên các vùng núi hay sông hồ trong những tháng nóng ẩm.
b) Số ngày có dông trung bình tháng và năm tại các trạm khí tượng được cho trong bảng 2.33. Bản đồ mật độ sét đánh trung bình năm trên lãnh thổ Việt Nam do Viện Vật lý địa cầu thiết lập được nêu ở chương 5 của Quy chuẩn này.
3.1.6 Động đất
a) Động đất lớn có thể phá huỷ nhà cửa và các công trình, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
b) Các chấn tâm động đất và đứt gãy sinh chấn lãnh thổ Việt Nam thể hiện trên bản đồ hình 3.3.
3.1.7 Thuỷ văn biển
a) Các hiện tượng thuỷ văn biển có thể gây bất lợi cho nhà cửa và công trình xây dựng vùng biển Việt Nam là chế độ thuỷ triều, nước dâng do bão, chiều cao sóng khi bão.
b) Bản đồ thuỷ triều ở biển Đông, bản đồ phân bố độ cao nước dâng do bão với tần suất đảm bảo 5% thể hiện trên hình 3.1 và hình 3.2. Độ cao sóng trung bình tương ứng với các cấp gió tham khảo ở bảng 3.2.
3.1.8 Độ muối khí quyển
a) Muối trong khí quyển vùng biển kết hợp với độ ẩm cao gây ăn mòn mạnh các kết cấu thép, kết cấu bê tông cốt thép tại Việt Nam.
b) Bản đồ phân vùng độ muối khí quyển cho trong Hình 3.4. Phân bố độ muối khí quyển cho các phần lãnh thổ Việt Nam như sau:
– Miền Bắc (từ 16 độ vĩ bắc trở ra):
[Cl–] = 0,9854 X-0,17 , sai số ±16%
– Miền Nam (từ 16 độ vĩ bắc trở vào):
[Cl–] = 3,9156 X-0,22 , sai số ±23%
Trong đó:
[Cl–] – độ muối khí quyển, mgcl–/m2.ngày
X: Khoảng cách từ biển vào bờ, km.
3.2 Các bản đồ và bảng số liệu
Các bản đồ và bảng số liệu thời tiết và điều kiện tự nhiên bất lợi được cho trong Phụ lục chương 3, gồm có:
Bảng 3.1 Tần số bão đổ bộ vào các vùng bờ biển Việt Nam (1961÷2008), trang 3;
Bảng 3.2 Cấp gió theo thang Bô-pho và chiều cao sóng, trang 3;
Bảng 3.3 Thống kê các cơn bão đổ bộ vào các vùng bờ biển Việt Nam (1961÷2008), trang 3;
Bảng 3.4 Phân bố các lần tố lốc một số năm trên toàn quốc (1971 ÷ 2007), trang 3;
Bảng 3.5 Thống kê các trận lũ lịch sử từ 1945 tới nay (1945 ÷ 2006), trang 3;
Bảng 3.6 Thống kê các trận lũ quét (1958 ÷ 2007), trang 3;
Hình 3.1 Bản đồ thuỷ triều ở biển Đông, trang 3;
Hình 3.2 Bản đồ phân bố độ cao nước dâng do bão với tần suất đảm bảo 5%, trang 3;
Hình 3.3 Bản đồ chấn tâm động đất và đứt gãy sinh chấn lãnh thổ Việt Nam, trang 3;
Hình 3.4 Bản đồ phân vùng độ muối khí quyển, trang 3.
CHƯƠNG 4 ÁP LỰC VÀ VẬN TỐC GIÓ DÙNG TRONG THIẾT KẾ
4.1 Phạm vi áp dụng
Áp lực và vận tốc gió cung cấp ở chương 4 được dùng cho tính toán thiết kế công trình, thiết kế biện pháp thi công công trình chịu tác động của tải trọng gió.
4.2 Đặc điểm số liệu áp lực và vận tốc gió
4.2.1 Bản đồ phân vùng áp lực gió lãnh thổ Việt Nam (hình 4.1) được thiết lập cho chu kỳ lặp 20 năm. Các số liệu trong bản đồ đã được xử lý từ số liệu của các trạm khí tượng như sau:
a) Vận tốc gió V0 (m/s) được lấy trung bình trong thời gian 3 giây, ở độ cao 10 m so với mốc chuẩn, ứng với địa hình dạng B (là địa hình tương đối trống trải, có một số vật cản thưa thớt cao không quá 10m).
b) Vận tốc gió V0 được lấy trung bình theo xác suất với chu kỳ lặp 20 năm. Nó không phải là vận tốc lớn nhất trong tập hợp các số liệu mà nó có thể bị vượt 1 lần trong 20 năm.
c) Giá trị của áp lực gió W0 (kN/m2) xác định từ vận tốc gió V0 (m/s) theo công thức:
W0 = 0,613.V02.10-3 (4.1)
4.2.2 Trên bản đồ, áp lực gió được chia ra các vùng IA, IIA, IIB, IIIA, IIIB, IVB và VB (hình 4.1) bởi các đường đẳng trị và đường ranh giới phân vùng ảnh hưởng của bão, trong đó ký hiệu A là vùng ít bị ảnh hưởng của bão, B là vùng chịu ảnh hưởng của bão.
4.2.3 Phân vùng áp lực gió W0 theo địa danh hành chính được lập thành bảng (bảng 4.1) dựa vào bản đồ phân vùng áp lực gió tỷ lệ 1:1.000.000 do Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cấp. Ngoài giá trị áp lực gió W0, trong bảng 4.1 có cho thêm giá trị vận tốc gió V0 với thời gian lấy trung bình 10 phút và chu kỳ lặp là 50 năm để áp dụng cho các tiêu chuẩn có yêu cầu đầu vào là vận tốc gió.
4.3 Bản đồ và các bảng số liệu
Bản đồ và các bảng số liệu về áp lực gió cho trong Phụ lục chương 4 gồm có:
Hình 4.1 Bản đồ phân vùng áp lực gió, trang 3;
Bảng 4.1 Phân vùng áp lực gió theo địa danh hành chính, trang 3;
Bảng 4.2 Áp lực gió tại các trạm quan trắc khí tượng vùng núi và hải đảo, trang 3;
Bảng 4.3 Hệ số chuyển đổi áp lực gió từ chu kỳ lặp 20 năm sang các chu kỳ lặp khác, trang 3;
Bảng 4.4 Hệ số chuyển đổi vận tốc gió từ chu kỳ lặp 50 năm sang các chu kỳ lặp khác, trang 3
4.4 Sử dụng số liệu áp lực gió
4.4.1 Áp lực gió ở địa điểm xây dựng được xác định bằng một trong hai cách: dùng bảng phân vùng áp lực gió theo địa danh hành chính (bảng 4.1) hoặc dùng bản đồ phân vùng áp lực gió lãnh thổ Việt Nam (khi cần chính xác hơn). Do khuôn khổ của tài liệu, bản đồ hình 4.1 là phiên bản thu nhỏ, bản đồ lớn tỷ lệ 1:1.000.000 được lưu trữ tại Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia.
4.4.2 Công trình xây dựng ở vùng núi và hải đảo có cùng độ cao, dạng địa hình và ở sát các trạm quan trắc khí tượng như ghi trong bảng 4.2 thì giá trị áp lực gió thiết kế được lấy theo trị số độc lập của các trạm đó.
4.4.3 Đối với tiêu chuẩn sử dụng áp lực gió trên cơ sở chu kỳ lặp khác 20 năm cần thực hiện chuyển đổi áp lực gió trên cơ sở chu kỳ lặp 20 năm cung cấp tại Quy chuẩn này sang áp lực gió với chu kỳ lặp quy định trong tiêu chuẩn đó thông qua hệ số chuyển đổi cho tại bảng 4.3
4.4.4 Đối với tiêu chuẩn sử dụng vận tốc gió trên cơ sở chu kỳ lặp khác 50 năm cần thực hiện chuyển đổi vận tốc gió trên cơ sở chu kỳ lặp 50 năm cung cấp tại Quy chuẩn này sang vận tốc gió với chu kỳ lặp quy định trong tiêu chuẩn đó thông qua hệ số chuyển đổi cho tại bảng 4.4
CHƯƠNG 5 MẬT ĐỘ SÉT ĐÁNH
5.1 Đặc điểm số liệu mật độ sét đánh
5.1.1 Số liệu mật độ sét đánh trên lãnh thổ Việt Nam được cấp dưới dạng bản đồ và theo địa danh hành chính.
5.1.2 Bản đồ mật độ sét đánh trung bình năm trên lãnh thổ Việt Nam do Viện Vật lý địa cầu thiết lập. Trên bản đồ, số liệu sét đánh được phân thành các vùng theo mật độ sét đánh (lần/km2/năm) như sau: Nhỏ hơn 1,4; từ 1,4 đến 3,4; từ 3,4 đến 5,7; từ 5,7 đến 8,2; từ 8,2 đến 10,9; từ 10,9 đến 13,7 và lớn hơn 13,7 bằng các đường đồng mức về mật độ sét đánh.
5.1.3 Số liệu mật độ sét đánh theo địa danh hành chính được thiết lập dựa trên bản đồ mật độ sét đánh trung bình năm của Việt Nam theo nguyên tắc sau:
a) Đối với các địa danh nằm gọn trong một vùng có cùng mật độ sét đánh trên bản đồ thì lấy theo mật độ sét đánh của vùng bản đồ đó.
b) Đối với địa danh nằm ở hai vùng có mật độ sét đánh khác nhau thì mật độ sét đánh của địa danh được lấy theo vùng có trị số lớn hơn.
5.2 Bản đồ và bảng số liệu
Bản đồ và bảng số liệu về mật độ sét đánh cho trong Phụ lục chương 5 gồm có:
Hình 5.1 Bản đồ mật độ sét đánh trung bình năm lãnh thổ Việt Nam, trang 3.
Bảng 5.1 Mật độ sét đánh theo địa danh hành chính lãnh thổ Việt Nam, trang 3.
5.3 Sử dụng số liệu mật độ sét đánh trong thiết kế
5.3.1 Khi thiết kế phòng chống sét cho công trình phải căn cứ vào mật độ sét đánh tại địa điểm đặt công trình theo số liệu của quy chuẩn này.
Ngoài ra, phải dựa trên các yếu tố khác bao gồm yêu cầu chống sét của công trình, đặc điểm của công trình (loại kết cấu, chiều cao công trình, công năng sử dụng), dạng địa hình nơi đặt công trình, khoảng cách ly tới cây xanh hoặc các công trình khác.
5.3.2 Mật độ sét đánh ở các hải đảo được Viện Vật lý địa cầu khuyến cáo lấy từ 2,5 đến 7,0 lần / km2 / năm.
CHƯƠNG 6 SỐ LIỆU ĐỘNG ĐẤT
6.1 Đặc điểm số liệu động đất
6.1.1 Số liệu động đất trên lãnh thổ Việt Nam được cấp dưới dạng bản đồ phân vùng gia tốc nền và theo địa danh hành chính.
6.1.2 Bản đồ phân vùng gia tốc nền lãnh thổ Việt Nam tỷ lệ 1:1.000.000 do Viện Vật lý địa cầu thiết lập và chịu trách nhiệm pháp lý. Bản đồ được thiết lập cho chu kỳ lặp 500 năm ứng với nền loại A (nền đá hoặc kiến tạo tựa đá). Bản đồ được chia thành các vùng bằng các đường đồng mức về giá trị đỉnh gia tốc nền tham chiếu (agR): 0,04 g; 0,08 g; 0,12 g và 0,16 g (g – gia tốc trọng trường). Giá trị agR tại các điểm giữa hai đường đồng mức được xác định theo nguyên tắc nội suy tuyến tính.
6.1.3 Phân vùng đỉnh gia tốc nền tham chiếu theo địa danh hành chính tới quận huyện được lập thành bảng (bảng 6.1) dựa vào bản đồ phân vùng đỉnh gia tốc nền lãnh thổ Việt Nam tỷ lệ 1:1.000.000 theo nguyên tắc sau:
a) Mỗi địa danh chọn ra một điểm đại diện. Điểm này có tọa độ xác định ghi trên bảng 6.1 thuộc một phường của một quận (ví dụ phường Cống Vị thuộc quận Ba Đình ở bảng 6.1) hoặc một thị trấn, thị tứ của một huyện (ví dụ TT An Lạc thuộc huyện Bình Chánh ở bảng 6.1).
Đỉnh gia tốc nền của điểm đại diện trong địa danh này là của chính nó nhưng được xem là giá trị đỉnh gia tốc nền của cả địa danh.
b) Đỉnh gia tốc nền cho trong bảng 6.1.
6.1.4 Cấp động đất theo thang MSK – 64 được xác định bằng cách chuyển đổi từ giá trị đỉnh gia tốc nền thông qua bảng 6.2.
6.2 Bản đồ và các bảng số liệu
Bản đồ và bảng số liệu về động đất dùng trong thiết kế được cho ở Phụ lục chương 6, gồm có:
Hình 6.1 Bản đồ gia tốc nền chu kỳ lặp lại 500 năm trên lãnh thổ Việt Nam (cho nền loại A), trang 3;
Bảng 6.1 Phân vùng gia tốc nền theo địa danh hành chính, trang 3;
Bảng 6.2 Bảng chuyển đổi đỉnh gia tốc nền sang cấp động đất theo thang MSK – 64, trang 3.
6.3 Sử dụng số liệu động đất trong thiết kế
6.3.1 Khi thiết kế kháng chấn công trình theo gia tốc nền, đỉnh gia tốc nền agR tham chiếu của địa điểm xây dựng được xác định bằng một trong hai cách: Theo bảng phân vùng gia tốc nền theo địa danh hành chính (bảng 6.1) hoặc khi cần chính xác hơn theo bản đồ phân vùng gia tốc nền lãnh thổ Việt Nam (hình 6.1).
Ghi chú: Bản đồ hình 6.1 là phiên bản thu nhỏ, khi cần tra cứu nên dùng bản đồ lớn tỷ lệ 1:1.000.000 được lưu trữ ở Viện Vật lý địa cầu và Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng.
6.3.2 Khi tiêu chuẩn thiết kế áp dụng cho tính toán kháng chấn công trình yêu cầu sử dụng giá trị đỉnh gia tốc nền có chu kỳ lặp khác 500 năm hoặc ở các loại nền khác nền loại A như nêu trong Quy chuẩn này thì các giá trị nêu trên được quy đổi bằng đỉnh gia tốc nền chu kỳ lặp 500 năm nền loại A của Quy chuẩn này nhân với các hệ số tương ứng. Các hệ số này lấy theo quy định của tiêu chuẩn thiết kế.
6.3.3 Khi thiết kế kháng chấn công trình theo cấp động đất cần chuyển đổi giá trị đỉnh gia tốc nền agR trong bảng 6.1 sang cấp động đất theo thang MSK – 64 cho ở bảng 6.2.
6.3.4 Những công trình đặc biệt không cho phép hư hỏng do động đất như đập bê tông chịu áp chiều cao trên 100 m; nhà máy điện nguyên tử; công trình cột, tháp cao hơn 300 m; nhà cao tầng hơn 60 tầng; các công trình ngoài khơi … khi thiết kế phải sử dụng các số liệu động đất theo các nghiên cứu riêng nhưng không nhỏ hơn các số liệu động đất của Quy chuẩn này.